Sự chia rẽ do ý thức hệ?


Tình hình biển Đông hiện nay tràn ngập trên các mặc báo chính thống cũng như báo lề
trái. Nhiều cuộc biểu tình cũng như tuần hành ở trong nước đã diễn ra trong ôn hòa
cũng như đã có bạo loạn và cướp bóc, hôi của xảy ra một số nơi như Bình Dương,
thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Tĩnh. Còn ngoài nước cũng có rất nhiều cuộc xuống
đường đa số do các du học sinh và một số nhỏ Việt kiều tổ chức phản đối Trung Quốc
hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhưng điều đáng nói ở đây là có nhiều luồng ý kiến xung quanh vấn đề đối phó với các
hoạt động bành trướng của Trung Quốc, một số thể hiện lòng yêu nước qua các phát
ngôn trên mạng xã hội, tham gia biểu tình. Trong khi một số khác tỏ ra bình thản đối với
sự sôi sục của những người ủng hộ các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc. Trên
các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều lời cảnh báo thường mang danh các tổ chức của
nhà nước khuyên không nên tham gia biểu tình vì có bàn tay thao túng của các thế lực
chống phá nhà nước như nhóm Việt Tân.

Hình ảnh những người cầm các biểu ngữ, băng rôn mang thông điệp phản đối Trung
Quốc với cờ đỏ sao vàng đã kích thích tinh thần yêu nước của số đông dân chúng. Một
số hình ảnh bắt gặp người biểu tình với cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ đã sụp đổ Việt
Nam cộng hòa được quy cho là thuộc thành phần phản động. Như vậy thì bất cứ ai
phản đối Trung Quốc mà không thuộc nhóm cờ đỏ sao vàng thì có thể liệt vào nhóm
phản động và chống đối nhà nước. Có lẽ như cuộc chiến ý thức hệ chưa bao giờ kết
thúc trên đất nước này dù chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng hơn 39 năm kể từ ngày chính
quyền Sài Gòn hoàn toàn tan rã ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Việt Nam đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội đưa đất nước thoát ra khỏi đói nghèo nhưng do rào
cản ý thức hệ cộng sản nên vẫn còn bước đi những bước chân chậm chạp và nặng nề.
Các thế hệ lãnh đạo Việt Nam lo sợ các ảnh hưởng của phương Tây sẽ làm chệch
hướng mục tiêu xã hộ chủ nghĩa, một thành trì ý thức hệ bất khả xâm phạm.

Mặc dù đã có kinh nghiệm thực tế về hậu quả nặng nề của nền kinh tế tập trung bao
cấp, một hình thái kinh tế luôn được khẳng định là đặc trưng của nhà nước xã hội chủ
nghĩa đã gây ra bao hệ lụy cho nền kinh tế quốc gia và tất nhiên ảnh hưởng nặng nề
đến đời sống đa số người dân nhưng chính quyền vẫn không thể thoát khỏi định chế và
hình thái kinh tế này, nếu thay đổi nó sẽ dẫn tới thay đổi bản chất nhà nước gây ra sự
sụp đổ của chế độ.
 Chính quyền Việt Nam kiểm soát hoàn toàn truyền thông để dễ bề định hướng tuyên
truyền cho các mục đích quản lý nhà nước, một nhà nước được nhận xét là độc quyền
toàn trị. Quản lý nhà nước dựa trên các nghị quyết của Đảng hơn là dựa vào các luật
nhà nước ban hành. Đã có thời kỳ hầu như các hoạt động của nhà nước đều được
điều hành dựa vào các nghị quyết của Đảng. Ý chí lãnh tụ cũng như của bộ chính trị sẽ
quyết định đa số các vấn đề của quốc gia. Vì tầng lớp lãnh đạo cấp cao luôn bảo vệ
cho thành trì xã hộ chủ nghĩa bằng bất cứ giá nào và sẵn sàn tiêu diệt các lực lượng
đối lập cũng như các yếu tố cản trở ý thức hệ.

Kinh tế tập trung bao cấp đã không tạo ra động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Một số nhà lãnh đạo cấp tiến đã nhận ra được điều đó và đã cố gắng thực hiện các cải
cách mang yếu tố sống còn đối với chế độ. Nhưng thật trớ trêu thay là tham gia hình
thái kinh tế thị trường sẽ làm thay đổi bản chất của cái gọi là kinh tế nhà nước tập trung
bao cấp, do đó được xem như là chệch hướng mục tiêu cuối cùng là xây dụng xã hộ
chủ nghĩa.

Các bộ luật và dưới luật được ban hành trong quá trình cải cách nhưng vẫn không bỏ
đi được sự xác lập thành phần chủ đạo của kinh tế nhà nước như là một chỉ dấu cho
sự kiên định mục tiêu xã hộ chủ nghĩa. Sự thay đổi kinh tế ắt sẽ dẫn đến sự thay đổi về
chính trị. Có thể hình thức nhà nước thì Việt Nam vẫn mang danh là nhà nước cộng
sản nhưng ban chất kinh tế hầu như đã thay đổi hoàn toàn, kinh tế tư bản nhưng ở thời
kỳ hoang dã.

Trong quá khứ Việt Nam hầu như lệ thuộc vào khối xã hộ chủ nghĩa trong cuộc chiến
tranh cũng như xây dựng và phát triển kinh tế. Sự viện trợ cho Việt Nam luôn kèm theo
các điều kiện liên quan đến ý thức hệ, đấu tranh giai cấp. Áp lực của các nước viện trợ
cho Việt Nam đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc đã gây ra một số hệ lụy đáng tiếc như
cải cách ruộng đất, cuộc chiến với giới văn nghệ sỹ mà điển hình là vụ nhân văn giai
phẩm.

Trở lại vấn đề về ý thức hệ, nhà nước Việt Nam luôn xây dựng hàng rào ý thức hệ và
đấu tranh giai cấp trong mọi ngõ ngách đời sống của người dân, họ tạo ra một thành trì
vững chắc bằng các kênh tuyên truyền cũng như hai thanh gươm sắc bén công an và
quân đội để bảo vệ vững chắc chế độ cầm quyền. Sự giao thoa kinh kế với phương
Tây, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội đã giúp cho nhiều tầng lớp dân chúng tiếp
cận được nhiều thông tin không chính thống và có sự đối chiếu. Nhiều người dân đã
nhận thức được những điều không thật khi được cung cấp thông tin trong một thời gian
dài theo chủ ý của nhà nước.
 Sự thay đổi sẽ diễn ra dần dần và tương lai của chế độ nhà nước tại Việt Nam thật khó
đoán trước được, nhưng hiện tại sự chia rẽ về mặt ý thức hệ trong cộng đồng người
Việt là sự thật hiển nhiên. Sự chia rẽ càng rõ ràng hơn với những người có cơ hội và
khả năng tiếp cận thông tin mới cũng như có nhận thức độc lập trái với sự mong đợi
của chính quyền. Chỉ với hoạt động chống lại hành động bành trướng của Trung Quốc
đã cho thấy nhiều sắc thái mâu thuẫn trong suy nghĩ của người dân Việt Nam và điều
này đã gây không ít đắn đo cho các chủ trương và quyết sách của chính quyền.

Có thể nhà nước Việt Nam hiện tại có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng cái gọi là
khối đại đoàn kết cùng nhau lên tiếng phản đối Trung Quốc nhưng khi vụ việc được giải
quyết thì các nhóm không theo đường lối hay ý thức hệ sẽ được giải tán hoặc biến mất
không dấu vết như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Chừng nào hàng rào ý thức hệ chưa được dẹp bỏ thì chừng đó sự đoàn kết của người
dân sẽ không thống nhất, bởi lợi ích quốc gia không được đặt lên trên tất cả mà là ý
thức hệ do nhà cầm quyền đã xác lập. Dẫn chứng rõ nhất là khi Trung Quốc đánh
chiếm Hoàng Sa năm 1974 từ tay Việt Nam cộng hòa thì chính quyền miền Bắc không
cho thấy động thái nào để phản đổi Trung Quốc hay sự kiện Gạc Ma năm 1988 người
dân không nhận được bất cứ thông tin nào từ chính quyền. Người dân thực sự không
bao giờ biết được toan tính của chính quyền đối với vận mệnh quốc gia nhưng họ biết
chắc sự toan tính của chính quyền đối với sự tồn vong của chế độ. Hòa hợp và hòa giải
dân tộc cũng sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực.